CẨN THẬN KHI ĐẮP THUỐC SAU CHẤN THƯƠNG
Ngày đăng: 11/08/2014
Lượt xem: 11498
Vừa qua, khoa chấn thương chỉnh hình BV. Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 2 trường hợp nhiễm trùng khớp cổ chân sau chấn thương doxử trí ban đầu không tốt đưa đến biến chứng khá nặng nề. Trường hợp thứ nhất là bé N.T.S, 7 tuổi, nhập viện vì sưng tấy đỏ vùng cổ chân phải kèm sốt cao. Người nhà cho hay bé đi chơi bị trẹo cổ chân gây đau nên có cho bé đi bó thuốc. Sau 3 ngày, bé chẳng những không bớt đau mà cổ chân còn sưng tấy kèm sốt cao nên đưa bé đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm mô tế bào cổ chân có biến chứng nhiễm trùng huyết. Quá trình điều trị cho bé tại bệnh viện khá phức tạp vì sau khi nhập viện, tình trạng nhiễm trùng của bé tiếp tục diễn tiến xấu. Bé phải nằm ở khoa hồi sức tích cực do nhiễm trùng huyết, cổ chân có hiện tượng tràn mủ ổ khớp phải rạch dẫn lưu 2 lần. Tiếp đó, vùng da gót chân của bé tiếp tục bị thâm đen và hoại tử dần làm lộ gân và xương gót.
Bác sĩ chỉnh hình phải phẫu thuật chuyển vạt da từ cẳng chân xuống để che phần gân và xương gót của bé. Kết quả là bé phải nằm điều trị tại bệnh viện hơn 1 tháng mới tạm ổn và xuất viện. Trường hợp thứ 2 là bé T.T.N, 8 tuổi, cũng bị đau cổ chân phải sau đá banh và được đắp thuốc lá cây ở gần nhà. Trường hợp này may mắn là bé đau nhiều nên được đưa đi khám sớm. Bé chỉ bị viêm mô tế bào, nhập viện điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch và ổn định, được xuất viện sau 7 ngày.
Bs Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoa CTCH, cho biết hai trường hợp trên là điền hình cho tình trạng viêm mô tế bào phần mềm do các vi khuẩn hoặc từ da của bé, hoặc từ những tạp chất có lẫn trong các thuốc lá cây người nha đắp lên da gây nên. Tùy theo mức độ nhiễm trùng mà biến chứng đưa đến có thể nặng hay nhẹ, thậm chí tử vong nếu tình trạng nhiễm trùng lan tỏa không kiểm soát được. Do đó, bác sĩ khuyến cáo đối với các trường hợp chấn thương phần mềm đơn thuần người nhà chỉ nên kê cao chân cho bé khoảng 20-30cm, có thể băng ép nhẹ và chườm nước lạnh chỗ sưng cho bé. Nếu bé đau nhiều thì có thể uống thêm thuốc giảm đau ( biệt dược paracetamol với liều 10-15mg/kg/ngày chia làm 3 lần), kháng viêm dạng men ( lysozym, anphachymotrypsin..) là đủ; nếu diễn tiến không giảm thì nên đưa bé đi khám để được điều trị đúng cách. Không nên băng hay bó các loại thuốc không rõ loại vì có những tạp chất có thể thấm qua da, mang theo vi trùng và gây ra hậu quả khôn lường như các trường hợp trên.
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021