Bấm vào hình để xem kích thước thật

Phẫu Thuật Thận Ứ Nước (Hydronephrosis) Do Hẹp Khúc Nối Bể Thận – Niệu Quản Bằng Phương Pháp Phẫu Thật Nội Soi 3D

Ngày đăng:  06/04/2020

 
Lượt xem: 12895

1. ĐẠI CƯƠNG

Thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản được định nghĩa là sự suy yếu của lưu thông dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản, gây dãn hệ thống thu thập và có khả năng gây suy giảm chức năng thận.
Tỷ lệ nam/nữ là 2/1. Thận ứ nước bên trái thường gặp hơn bên phải. Thận ứ nước hai bên chiếm khoảng 10%.

2. NGUYÊN NHÂN

Có rất nhiều nguyên nhân gây tình trạng ứ nước thận như: teo hẹp ở khúc nối bể thận - niệu quản, nếp gấp niệu quản, niệu quản cắm cao, mạch máu cực dưới, thận móng ngựa, niệu quản sau tĩnh mạch chủ, polyp niệu quản...

3. CHẤN ĐOÁN     

a. Chẩn đoán trước khi sinh

Trong thời gian mang thai, thận ứ nước thường được chẩn đoán thông qua việc siêu âm thai kỳ. Nếu kích thước thận của bé hoặc nước ối có điều gì đó không đúng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn để theo dõi.

b. Chẩn đoán sau khi sinh

Bác sĩ có thể đề xuất một số xét nghiệm như: siêu âm thận (RUS), chụp cản quang hệ niệu bằng đường tĩnh mạch (IVU), chụp X-quang bàng quang - niệu đạo lúc đi tiểu (VCUG), khảo sát với đồng vị phóng xạ DTPA có sử dụng lợi tiểu lasix.

4. PHẪU THUẬT

a. Chỉ định

- Tắc khúc nối bể thận – niệu quản có triệu chứng: đau, nhiễm trùng, thận lớn sờ được.

- Tắc nghẽn không triệu chứng có giảm chức năng (< 40%) vào thời điểm đánh giá ban đầu, đặc biệt nếu đường kính trước - sau bể thận > 30 mm.

- Thất bại trong điều trị bảo tồn: suy giảm chức năng hoặc tăng kích thước thận (dấu hiệu báo trước sẽ giảm chức năng).

 

 

 

 

Hình 2. Mức độ ứ nước thận do hẹp khúc nối  bể thận – niệu quản

b. Kỹ thuật

Hầu hết các phẫu thuật viên nhi sử dụng là cắt bỏ đoạn hẹp và nối bể thận với niệu quản (Anderson – Hynes).

 

Hình 3. Kỹ thuật tạo hình khúc nối bể thận – niệu quản theo Anderson - Hynes

c. Phẫu thuật nội soi

Với việc cải thiện về dụng cụ, phẫu thuật nội soi tạo hình khúc nối bể thận – niệu quản ở trẻ em có thể được thực hiện ngay cả ở bệnh nhi nhỏ hơn 2 tuổi. Có 2 lối vào là sau phúc mạc hoặc xuyên phúc mạc.

Hiện nay ngoài áp dụng kỹ thuật nội soi 2D thông thường để điều trị cho những trường hợp thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản, dưới sự chỉ đạo và tham gia phẫu thuật của Ts.Bs Phạm Ngọc Thạch (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2) khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn tiến hành sử dụng hệ thống máy nội soi 3D để phẫu thuật cho những trường hợp này.

Tính đến thời điểm hiện tại, khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật thành công gần 20 trường hợp bệnh nhi bị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bệnh nhi nhỏ tuổi nhất là 6 tháng tuổi.

Theo Ths.Bs Phan Tấn Đức (Quyền trưởng khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2), các chuyên gia về phẫu thuật nội soi đánh giá phẫu thuật nội soi 3D là xu hướng mới trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi. Bằng phương pháp này, các phẫu thuật viên quan sát được cả 3 chiều, có thể đưa ra các quyết định nhanh chóng và chính xác cho cuộc phẫu thuật, nhờ đó rút ngắn thời gian phẫu thuật, hạn chế rủi ro, nâng cao chất lượng điều trị đồng thời rút ngắn thời gian hậu phẫu, giảm chi phí nằm viện cho người bệnh.

Bệnh viện sẽ tiếp tục tiến hành và áp dụng rộng rãi phẫu thuật nội soi 3D cho nhiều bệnh lý khác trong ngoại nhi và cũng như các kỹ thuật cao khác với mục đích cung cấp dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình 4. Hình ảnh trong lúc phẫu thuật thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản với máy nội soi 3D

Tác giả: Ths.Bs Phan Lê Minh Tiến

Khoa Niệu – Bệnh viện Nhi Đồng 2

Đăng bởi: BS Nguyễn Hiền

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021