Khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2: Tận tâm săn sóc trẻ động kinh
Ngày đăng: 02/05/2024
Lượt xem: 5474
Việc điều trị bệnh lý động kinh cho trẻ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Nhưng với chủ trương nâng cao chất lượng điều trị nhóm bệnh này, Đơn vị Động kinh trẻ em thuộc khoa Thần kinh đã được thành lập tại Bệnh viện Nhi đồng 2 để phục vụ tốt nhất việc chăm sóc trẻ bệnh!
Theo BS.CK2 Phạm Hải Uyên, Phó khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận định, nhìn chung những khó khăn trong điều trị động kinh ở trẻ chủ yếu liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị như sau:
Về chẩn đoán:
- Việc xác nhận cơn động kinh khó khăn, đặc biệt khi thân nhân mô tả cơn chưa rõ ràng, không có video cơn kèm theo, hoặc khi điện não đồ chưa ghi nhận bất thường (có thể xảy ra khi đo ngoài cơn).
- Việc thực hiện đo điện não ở trẻ cũng gặp trở ngại nhất định (đo điện não kéo dài, đo điện não video, đo điện não giấc ngủ).
- Tiếp cận các khảo sát hình ảnh chuyên sâu như MRI 3Tesla, các xét nghiệm chuyển hóa chuyên sâu, xét nghiệm miễn dịch, gen bị hạn chế do không phải nơi nào cũng thực hiện được đầy đủ các xét nghiệm này.
Về điều trị:
- Khó khăn trong tiếp cận các loại thuốc động kinh thế hệ mới như Vigabatrin, Clobazam, Lacosamide…, tại Việt Nam.
- Ít cơ sở thực hiện được các xét nghiệm kiểm tra nồng độ thuốc chống động kinh trong máu.
Tuy nhiên, điều trị bệnh động kinh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 có những thuận lợi sau:
- Đội ngũ bác sĩ – điều dưỡng – kỹ thuật viên điện não không ngừng học tập nâng cao năng lực chuyên môn.
- Với sự tiến bộ của các xét nghiệm chuyển hóa, miễn dịch, gen, cũng như các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, việc tiếp cận chẩn đoán và điều trị theo đúng hướng dẫn của liên đoàn chống động kinh thế giới (ILAE)
- Các phương pháp điều trị ngoài thuốc cũng đã từng bước được áp dụng trên bệnh nhi động kinh như: chế độ ăn sinh ceton, phẫu thuật động kinh.
Liên quan vấn đề này, các trường hợp bệnh đang điều trị có diễn tiến tốt gồm: động kinh tự giới hạn ở trẻ nhũ nhi (trong đó thường gặp là nhóm động kinh liên quan đến sốt co giật), nhóm động kinh cục bộ tự giới hạn ở trẻ em (trong đó thường gặp là nhóm động kinh cục bộ tự giới hạn với gai sóng trung tâm thái dương). Các nhóm này đa phần đáp ứng tốt với điều trị, không ảnh hưởng đến sự phát triển sau 2 năm điều trị không cơn động kinh.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thành lập Đơn vị Động kinh trẻ em thuộc Khoa Thần kinh, chuyên chăm sóc và điều trị bệnh nhi động kinh, tập trung vào:
- Hoàn thiện xây dựng phác đồ tiếp cận và điều trị cho từng nhóm bệnh động kinh.
- Tiếp cận các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu: điện não đồ video, các xét nghiệm chuyển hóa, di truyền, miễn dịch, hình ảnh học.
- Áp dụng phương pháp điều trị ngoài thuốc: chế độ ăn sinh ceton.
- Phối hợp với khoa Ngoại thần kinh trong phẫu thuật động kinh.
- Tham gia tổ chức các hoạt động đào tạo, sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cho nhân viên y tế, cũng như giáo dục sức khỏe cho thân nhân bệnh nhi.
- Tham gia các nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bệnh động kinh.
Thông tin dành cho Nhân viên y tế:
Với 6 nội dung chuyên môn liên quan đến Sốt co giật và động kinh ở trẻ em được trình bày bởi các chuyên gia của Liên chi Hội Thần kinh học, Đại học Y Dược TP.HCM, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hội thảo Khoa học “Sốt co giật và động kinh” – Hội thảo khoa học thưởng niên của Bệnh viện Nhi đồng 2 dành cho các y bác sĩ sẽ diễn ra vào ngày 04/05/2024.
Thông tin chi tiết xin vui lòng tham khảo link: https://forms.gle/tPUCkKrTdQpYzbMK8)
Ban tổ chức trân trọng kính mời Quý đồng nghiệp cùng quan tâm tham dự!
Đăng bởi: Nguyễn Tâm
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024