Bấm vào hình để xem kích thước thật

Quá liều Acetaminophen (hay Paracetamol) ở trẻ em và những điều cần biết

Ngày đăng:  11/09/2023

 
Lượt xem: 6194

Acetaminophen là thuốc giảm đau – hạ sốt phổ biến nhất hiện nay mà người bệnh có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc không cần đơn thuốc. Điều đó dễ đưa đến quá liều Acetaminophen (hay Paracetamol) thậm chí ngộ độc đặc biệt ở trẻ em.

 

Quá liều Acetaminophen được xác định khi tổng liều >75 mg/kg/ngày. Khi tổng liều > 150mg/kg/ngày, ngộ độc Acetaminophen xảy ra. Trẻ sinh non, suy dinh dưỡng, trẻ đang có bệnh lý gây suy giảm chức năng gan thận là những đối tượng dễ bị ngộ độc Acetaminophen.

 

Việc quá liều hoặc ngộ độc thuốc có thể do nhiều nguyên nhân: cố ý tự sát ở trẻ lớn, uống nhầm ở trẻ nhỏ hoặc tự ý uống quá liều khi điều trị bệnh. Thường gặp nhất là những trường hợp trẻ sốt cao khó hạ, phụ huynh lo lắng tăng số lần uống hoặc tăng liều lượng thuốc với hi vọng đạt được hiệu quả mong muốn.

 

►Chẩn đoán quá liều hay ngộ độc Acetaminophen dựa vào:

  • Khai thác bệnh sử như thời gian uống thuốc, liều lượng thuốc.
  • Các triệu chứng lâm sàng tùy thuộc từng giai đoạn, có thể từ nhẹ như chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng đến tim nhanh, hạ huyết áp, lừ đừ, hôn mê, suy gan, suy thận.
  • Xét nghiệm định lượng Acetaminophen trong máu giúp chẩn đoán sớm, nhanh và chính xác chẩn đoán quá liều hay ngộ độc. Ngoài ra còn có tác dụng tiên lượng bệnh. Một số xét nghiệm khác như đếm tiểu cầu, bilirubin máu, men gan, INR có tác dụng chẩn đoán mức độ tổn thương cơ quan và giúp tiên lượng.

 

Điều trị ngộ độc Acetaminophen ở trẻ em cần sử dụng nhiều biện pháp bao gồm dùng than hoạt, truyền dịch, dùng N-Acetylcystein hoặc kể cả lọc máu.

 

►Ngộ độc Acetaminpphen có khả năng gây tử vong nhưng có thể phòng tránh được. Vậy nên phụ huynh khi sử dụng thuốc cho trẻ cần lưu ý:

  • Cất thuốc ở những nơi ngoài tầm với của trẻ.
  • Cần xem xét thành phần các loại thuốc khi sử dụng cho trẻ.
  • Khi sử dụng thuốc hạ sốt dạng lỏng cần lưu ý liều lượng ở dạng mg hay mL.
  • Luôn sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu tình trạng đau sốt không cải thiện sau khi dùng thuốc nên đi khám bác sĩ. Không nên tự ý tăng liều thuốc cho trẻ.

 

Khoa Hóa sinh Bệnh viện Nhi đồng 2 hiện đã triển khai xét nghiệm định lượng Acetaminophen trong máu. Kỹ thuật xét nghiệm được thực hiện trên máy Alinity ci hiện đại, cho kết quả chính xác trong 90 phút, hỗ trợ cho công tác chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Tóm lại khi trẻ đau sốt đã được dùng thuốc hạ sốt ở liều phù hợp mà tình trạng bệnh không cải thiện phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

 

Đăng bởi: Nguyễn Tâm

[Trở về]

Các tin khác