Tết, đề phòng bệnh gì cho bé
Ngày đăng: 02/02/2011
Lượt xem: 12510
Bệnh tật ngày tết là điều không ai mong muốn xảy ra thế nhưng đây luôn là chuyện… ngoài tầm kiểm soát. Để giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh mùa Tết cũng như chăm sóc sức khỏe cho bé cưng trong những ngày lễ đặc biệt này. Ban biên tập đã có buổi phỏng vấn BS.CKII.Trịnh Hữu Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của BV về vấn đề này.
1/ Thưa bác sĩ, ngày tết trẻ thường dễ mắc 1 số bệnh nào ạ?
Trong những ngày tết, các bậc phụ huynh thường bận rộn với các cuộc thăm viếng, mua sắm, họp mặt ăn uống, đi du lịch..v.v. mà có phần nào lơ là với con trẻ, trong khi đó trẻ em luôn là đối tượng dễ gặp phải những rủi ro về tai nạn đang rình rập xung quanh, đồng thời trẻ cũng rất dễ gặp những vấn đề về sức khoẻ do nếp sinh hoạt ăn uống hàng ngày bị thay đổi.
Do vậy, trong và sau Tết trẻ rất dễ mắc những bệnh như là ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy,…đồng thời với thời tiết lạnh, hanh khô là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em phát triển, dễ dẫn đến viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm họng mũi, hoặc nặng hơn như viêm thanh khí quản, viêm phế quản, viêm phổi gây nguy hiểm cho trẻ.
Đặc biệt, đối với trẻ em đây cũng là thời điểm rất cần quan tâm vì nhiều bệnh “vào mùa” như các bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp như sởi, thủy đậu, ho gà, quai bị,... thường tăng cao.
Không chỉ bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và truyền nhiễm nêu trên mà các bậc phụ huynh cũng nên cảnh giác với bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xuất hiện trái mùa, có thể vẫn xuất hiện lẻ tẻ đến thời điểm này.
Ngoài những bệnh đã nói ở trên, sau Tết trẻ em cũng còn gánh “hậu quả hậu Tết” như béo phì sẽ tăng hơn, hoặc tình trạng ngược lại sút cân, suy dinh dưỡng sau tết.
2/ Làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng rối loạn tiêu hóa do thay đổi môi trường và thói quen ăn uống ở trẻ thưa Bác sĩ?
Ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy là những bệnh rất thường gặp trong và sau Tết. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn cũ lưu trữ không đúng cách, được hâm đi hâm lại (mà rất thường phổ biến trong và sau Tết), thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn. Tiêu chảy cấp cũng là một bệnh khá phổ biến ở trẻ em lứa tuổi còn bú. Gọi là tiêu chảy cấp khi trẻ đi cầu phân lỏng có nước, từ 3 lần trở lên trong một ngày. Có nhiều tác nhân gây ra tiêu chảy cấp, có thể do vi khuẩn như E.coli, Shigella, hoặc ký sinh trùng như amip. Tuy nhiên, có hơn 50% trường hợp tiêu chảy cấp ở lứa tuổi còn bú là do
3/ Do cơ thể chưa trưởng thành, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng yếu nên trẻ em cũng rất dễ bị các loại dịch bệnh tấn công, nhất là trong thời điểm mùa tết, khí hậu lạnh. Bác sĩ có thể khuyến cáo 1 số dịch bệnh dễ mắc phải để phụ huynh biết cách phòng ngừa?
Cứ vào trong và sau Tết hàng năm, số trẻ mắc bệnh đường hô hấp thường gia tăng, phát sinh do thời tiết lạnh và khô là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em phát triển như viêm hô hấp trên hoặc nặng hơn là viêm phế quản, viêm phổi,.. và chúng có thể lây truyền nhanh vì mật độ người đông, nhất là ở những nơi vui chơi công cộng. Khi bị ốm, trẻ thường quấy khóc, ho, ngạt mũi, hắt hơi... sẽ làm bắn nước bọt, đờm dãi ra xung quanh có kèm theo vi khuẩn gây bệnh, trẻ khỏe thở hít phải nên bị lây bệnh. Có nhiều tác nhân có thể gây ra bệnh đường hô hấp như vi trùng (liên cầu, phế cầu, Hemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae... tùy theo lứa tuổi), virus (RSV, Rhinovirus, Adenovirus, Cúm hay á cúm, Sởi,...).
Bệnh sởi do virus Morbilli họ Paramyxo-viridae gây ra, xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều nhất là vào mùa xuân, bệnh dễ lây và bùng phát thành dịch. Tuổi dễ mắc bệnh nhất là 2 - 6 tuổi, trẻ em mới sinh đến 6 tháng tuổi ít khi mắc bệnh vì thường có kháng thể của mẹ truyền qua nhau lúc mang thai. Virus sởi được phát tán và lan truyền ra ngoài theo không khí khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, từ đó lây cho người khác, virus theo những giọt nước bọt li ti lơ lửng trong không khí, người lành hít phải không khí có virus, sau đó xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp và gây bệnh. Diễn tiến của sởi thường là lành tính, phục hồi hoàn toàn sau 7 - 10 ngày, tuy nhiên, có một số trường hợp tử vong do biến chứng, nhất là bội nhiễm phổi do các vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, liên cầu trùng đặc biệt trên cơ địa suy dinh dưỡng. Các biến chứng thường gặp như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não, viêm đường ruột, loét giác mạc mắt, viêm cơ tim,..
Thủy đậu cũng là loại bệnh truyền nhiễm, nhưng thường ở thể nhẹ và lành tính, do virus Varicella zoster gây ra, bệnh tiến triển trong khoảng 10 - 15 ngày và thường tự khỏi. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua đường hô hấp như nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi - họng của người bệnh. Điều đáng nói là thời gian lây bệnh thường kéo dài, người bị thủy đậu có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban. Nếu không biết chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ lâu lành và để lại nhiều di chứng. Biến chứng thường gặp nhất ở trẻ em là nhiễm trùng da do trẻ gãi làm các nốt đỏ vỡ, trầy xước, khiến vi trùng bên ngoài dễ dàng xâm nhập tạo mủ và để lại sẹo lõm. Ngoài hai bệnh truyền nhiễm trên, cũng phải kể đến quai bị, cúm cũng hay gặp trong mùa lạnh trong và sau Tết và có thể lây truyền qua đường hô hấp.
4/ Bác sĩ cho lời khuyên cha mẹ phải làm gì để đề phòng những bệnh mùa tết cho trẻ
Để phòng ngừa cho trẻ tránh mắc bệnh lây qua đường hô hấp, những ngày Tết không nên cho trẻ nhỏ đi chơi xa, đến nơi đông người, cho trẻ mặc đủ ấm, chăm sóc ăn uống và phòng chống lạnh, tránh gió lùa, có thể nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch Natriclorid 0,9%.
Ngoài những bệnh đã nói ở trên, sau Tết trẻ em đã sẵn béo phì sẽ bị béo phì hơn, hoặc suy dinh dưỡng thì lại sút cân, suy dinh dưỡng nặng hơn.
Trong những ngày lễ tết, nề nếp ăn uống của trẻ thường bị phá vỡ, sẽ có hai tình trạng đối ngược xảy ra, một số trẻ do ăn uống không điều độ sẽ bị sút cân, thậm chí do ăn phải thực phẩm ôi thiu, để lâu ngày bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn dẫn đến suy dinh dưỡng sau tết; tình trạng thứ hai là ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, và các món ăn giàu béo, giàu đạm thường có trong ngày Tết dẫn đến tăng cân quá mức, thừa cân, béo phì.
Như đã biết trong ngày Tết các bữa ăn thiên về nhóm bột đường, đạm và chất béo mà thiếu mất nhóm vitamin mà cơ thể chỉ cần một tỷ lệ chất bột đường, chất đạm và chất béo nhất định, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì.
Trẻ con thường rất thích uống nước ngọt, và trong những ngày Tết là cơ hội để chúng uống thỏa thích. Nhưng loại nước này không tốt nếu uống nhiều, nhất là với trẻ con bởi nó chỉ có đường và các loại hương liệu chứ không có thành phần dinh dưỡng cần thiết. Trẻ uống nhiều nước có ga sẽ nhanh no, chán ăn. Vì thế sau Tết nhiều trẻ đã suy dinh dưỡng lại thường bị sút cân.
Do vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ để tránh xảy ra các tình trạng trên. Đối với các cháu nhỏ còn trong giai đoạn ăn bột, ăn cháo vẫn phải tuân thủ đúng như các bữa ăn trong ngày thường, không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn sẽ làm các cháu biếng ăn sẽ không ăn được các thức ăn trong bữa chính dẫn đến suy dinh dưỡng.
Đối với các cháu béo phì hoặc có nguy cơ bị tăng cân/béo phì, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý là các cháu vẫn nên tuân thủ chế độ ăn kiêng dù là ngày Tết, nên thay bánh kẹo bằng quả chín ít ngọt như bưởi, cam, quýt, dưa hấu, không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng như giò thủ, giò mỡ, thịt đông mà nên thay bằng giò lụa, hoặc chả quế. Nên tăng cường các món ăn từ cá, hạn chế ăn bánh chưng, nếu ăn thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại thức ăn tinh bột khác. Không nên ăn cơm rang. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như su hào, bắp cải, bí xanh, susu…trong ngày tết.
Thay nước ngọt bằng sữa tươi không đường hoặc sữa bột đã tách chất béo. Không nên cho trẻ thức quá khuya và ăn thêm bữa phụ vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Tết đến thường mang nhiều niềm vui đến mỗi gia đình, để có một cái Tết trọn vẹn và gia đình luôn đầy ấp tiếng cười hãy dành nhiều thời gian quan tâm đến con trẻ hơn, cần chú ý đến ăn uống hợp lý cho tất cả mọi người, và trang bị cho bản thân một số kiến thức cơ bản cần thiết để bảo vệ cho những đứa con thân yêu của bạn trước những bệnh lý thường gặp trong và sau những ngày lễ này.
Đăng bởi: Ban biên tập
Các tin khác
Lập kế hoạch nếu Bạn bị dị ứng thức ăn 20/06/2018
Xử trí khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy 08/04/2018
PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DỊP LỄ TẾT 10/02/2018
Tìm hiểu về Salmonella 14/08/2016
Nhiễm khuẩn H.P (Helicobacter pylori) dạ dày 13/04/2015
Bảo đảm rằng trẻ được đủ nước. 06/12/2012
Tìm hiểu về mất nước ở người lớn. 06/06/2012