Bấm vào hình để xem kích thước thật

Cứu sống một trường hợp bệnh Kawasaki thể không điển hình

Ngày đăng:  17/12/2010

 
Lượt xem: 14296

              Bệnh nhi Phạm Thị H T - 6 tuổi, nhà ở Quận 2 nhập viện Nhi đồng 2 ngày 1/12/2010 với triệu chứng sốt 7 ngày liên tục, giữa ngày 4 của bệnh bé nổi hồng ban, 2 mắt đỏ nhưng không có ghèn, kèm ói 5 lần/ngày và đau bụng, với tình trạng mạch và huyết áp không ổn định. Khi mới nhập viện BV Nhi Đồng 2 bé được chẩn đoán là sốc nhiễm trùng/nhiễm trùng huyết nghi do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.

 

TS.BS.Trần Thị Mộng Hiệp - Trưởng khoa Thận - Nội tiết cho biết: Tình trạng sốc của bé rất nặng nề khi mạch và huyết áp liên tục giảm, bệnh khởi phát cấp tính với những triệu chứng sốt trên 5 ngày, mắt đỏ, phát ban đỏ khắp cơ thể, xét nghiệm cấy máu và làm huyết thanh chẩn đoán thấy dương tính với Mycoplasma pneumoniae, siêu âm tim thấy có tình trạng suy giảm chức năng co bóp của tim nhưng không có dãn mạch vành, không kèm phù, bong rộp ở các đầu chi, nổi hạch cổ, tróc da. Vì vậy khả năng chẩn đoán bé bị mắc bệnh Kawasaki là chưa thuyết phục.

 Bệnh nhân bị bệnh Kawasaki thể không điển hình hay không đủ tiêu chuẩn vẫn có nhiều nguy cơ bị biến chứng dãn động mạch vành, và sẽ có diễn tiến thuận lợi hơn nếu bệnh nhân được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. 

Trước một bệnh cảnh phức tạp như vậy (dù được dùng các thuốc kháng sinh, vận mạch và truyền dịch nhưng đều không có tác dụng), BV đã tổ chức hội chẩn toàn BV dưới sự chủ trì của BS Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cùng các BS Trưởng khoa Thận – Nội tiết, Hồi sức, Tim mạch và Nội Tổng hợp  quyết định chẩn đoán và điều trị BN theo hướng bệnh Kawasaki, truyền tĩnh mạch Immuno-Globulin cho BN. Kết quả là sau 24h điều trị, BN đã ổn định mạch/ huyết áp và cải thiện các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng (hết sốt, CRP giảm dần về bình thường)

Đây là ca thứ 3 trên trẻ có cơ địa đặc biệt, rối loạn miễn dịch phức tạp gây phản ứng sốc mạnh, chỉ có vài biểu hiện giống bệnh Kawasaki, mà Bs Hiệp từng gặp. 

Bệnh Kawasaki là một bệnh sốt và phát ban cấp tính, thường gặp ở trẻ lứa tuổi nhũ nhi và dưới 5 tuổi. Là một hội chứng viêm lan toả hệ thống mạch máu vừa và nhỏ, dễ gây các tổn thương phình hoặc tắc nghẽn động mạch vành (mạch máu nuôi tim) và cũng là một trong những nguyên nhân của đột tử hoặc suy mạch vành mạn tính ở trẻ em.

Bệnh Kawasaki có triệu chứng rất đặc trưng của nhiễm trùng và dị ứng, chủ yếu là: sốt cao liên tục trên một tuần, điều trị bằng kháng sinh không đỡ; hai mắt sưng đỏ (viêm kết mạc củng mạc); có biến đổi ở khoang miệng: môi đỏ, lưỡi đỏ, miệng bong rộp, loét; biến đổi ở đầu chi: đỏ tím bàn tay, bàn chân, phù nề mu bàn tay, mu bàn chân, bong da ở đầu ngón vào tuần thứ 2, thứ 3, phát ban đỏ đa dạng toàn thân; nổi hạch ở cổ và góc hàm; tổn thương tim mạch (thường sau 2-3 tuần): loạn nhịp tim, viêm cơ tim có thể gây suy tim, dịch tràn màng ngoài tim, phình, giãn động mạch vành tim; ngoài ra có một số triệu chứng không điển hình khác, như: rối loạn tiêu hoá (nôn mửa, tiêu chảy…); sưng đau các khớp; viêm phế quản-phổi; giãn túi mật. Xét nghiệm thấy tốc độ máu lắng cao, bạch cầu tăng, tiểu cầu tăng…

Tỷ lệ mắc bệnh Kawasaki cộng đồng khá cao, cao gấp hàng trăm lần bệnh thấp tim. ở Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 50-100/100.000, ở Mỹ khoảng 5-15/100.000 (trẻ em dưới 5 tuổi). Tuy ít gây tử vong, nhưng những biến chứng của bệnh lại rất trầm trọng.

Nếu bệnh nhân được điều trị sớm, đúng cách thì thường tiến triển tốt, đặc biệt hạn chế được các biến chứng về tim mạch.

Vì vậy việc mọi người nhất là các bà mẹ đang có con nhỏ cần biết các triệu chứng của bệnh để phát hiện bệnh sớm, đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời nhằm làm giảm các biến chứng và hậu quả do bệnh gây ra.



 

Đăng bởi: Thanh Hà

[Trở về]

Các tin khác